Có nên gọi Đại Pháp là “Ông”?

Hàm Trinh

Đặt vấn đề

Trong bản Chuyển Pháp Luân tiếng Việt hiện hành, khi lật ra trang đầu tiên phần Luận ngữ, chúng ta thấy câu mở đầu như sau:

“Đại Pháp là trí huệ của Sáng Thế Chủ. Ông là căn bản của khai thiên tịch địa, của tạo hóa vũ trụ, nội hàm từ cực nhỏ đến cực lớn, có triển hiện khác nhau tại các tầng thứ thiên thể khác nhau”. (Bản dịch, Chuyển Pháp Luân – Luận ngữ)

Trong toàn bộ phần Luận ngữ, chúng ta cũng đều thấy người dịch sử dụng một từ “Ông” (viết hoa) như vậy, dưới đây là một vài liệt kê:

  1. Ông là căn bản của khai thiên tịch địa, của tạo hóa vũ trụ, nội hàm từ cực nhỏ đến cực lớn, có triển hiện khác nhau tại các tầng thứ thiên thể khác nhau”… (Bản dịch, Chuyển Pháp Luân – Luận ngữ)
  1. “sinh mệnh nào rời xa khỏi Ông thì đúng là bại hoại; người thế gian nào phù hợp với Ông thì đúng là người tốt”… (Bản dịch, Chuyển Pháp Luân – Luận ngữ)
  1. “làm người tu luyện, mà đồng hóa với Ông thì chư vị chính là bậc đắc đạo: Thần.” (Bản dịch, Chuyển Pháp Luân – Luận ngữ)

Đối với các học viên Pháp Luân Công lâu năm mà nói, hầu như mọi người đều hiểu đoạn Luận ngữ này Tác giả đều nói về một đối tượng đồng nhất đó là “Đại Pháp”. Bởi vì tất cả những ai đắc Pháp từ trước năm 2015 đều nhớ, bài Luận ngữ mở đầu sách Chuyển Pháp Luân đã được Tác giả (Sư Phụ Lý Hồng Chí) thay đổi từ năm 2015. Đoạn Luận ngữ hiện tại trong bản dịch mở đầu bằng câu: “Đại Pháp là trí huệ của Sáng Thế Chủ”, và khi đọc câu tiếp theo: “Ông là căn bản của khai thiên tịch địa, của tạo hóa vũ trụ…” thì những người mới đọc lần đầu sẽ khó tránh khỏi thắc mắc rằng vậy “Ông” này là để chỉ ai? Chỉ “Đại Pháp” hay để chỉ “Sáng Thế Chủ”? Như vậy, “Đại Pháp” hay “Sáng Thế Chủ” mới là “căn bản của khai thiên tịch địa”? “Sáng Thế Chủ” và “Đại Pháp” là hai hay là một? Về mặt logic ngữ vựng, đại từ “Ông” này khiến các danh từ được nêu ra trong đoạn văn có một sự nhập nhằng, không rõ ràng.

Chữ 他 (chữ “tha” bộ Nhân) có nhất thiết phải dịch là “Ông”? Chữ 她 (chữ “tha” bộ Nữ”) có nhất thiết phải dịch là “Bà”?

Thứ nhất, chữ 他 có nhất thiết phải là “Ông”?

Khi đối chiếu với Bản gốc tiếng Hoa, trong phần Luận ngữ, chúng ta thấy Tác giả sử dụng chữ 他 (“tha” có bộ Nhân) như một đại từ phiếm chỉ ngôi thứ ba. Cụ thể xin được liệt kê một vài trường hợp như sau:

大法是創世主的智慧。是開天闢地、造化宇宙的根本,內涵洪微至極,在不同的天體層次中有不同的展現。《轉法輪 – 論語》 (Đại Pháp là trí huệ của Sáng Thế Chủ. Ông là căn bản của khai thiên tịch địa, của tạo hóa vũ trụ, nội hàm từ cực nhỏ đến cực lớn, có triển hiện khác nhau tại các tầng thứ thiên thể khác nhau. (Bản dịch, Luận ngữ)

生命背離就是真正的敗壞;世人能夠符合他就是真正的好人,《轉法輪 – 論語》 (sinh mệnh nào rời xa khỏi Ông thì đúng là bại hoại; người thế gian nào phù hợp với Ông thì đúng là người tốt… (Bản dịch, Luận ngữ)

作為修煉人,同化你就是個得道者──神。《轉法輪 – 論語》 (làm người tu luyện, mà đồng hóa với Ông thì chư vị chính là bậc đắc đạo: Thần. (Bản dịch, Luận ngữ)

Như vậy, có thể thấy rằng người dịch đã dịch chữ trong tiếng Hoa thành chữ “Ông” trong tiếng Việt. Xét về mặt ngữ nghĩa, trong tiếng Hán hiện đại, chữ này dùng để chỉ nhân xưng ngôi thứ ba giới tính nam là hoàn toàn không sai (ông ta, anh ta, cậu ta,…). Nhưng nó chỉ đúng với tiếng Hán hiện đại.

Theo như tra cứu của chúng tôi thì đối với tiếng Hán cổ và cận đại chữ 他 (chữ “tha” có bộ Nhân) là đại từ dùng để chỉ chung mọi đối tượng thuộc ngôi thứ ba, không phân biệt là người hay vật, nam hay nữ (xin xem hình và link sau đây). Đến thời hiện đại, người ta mới hạn cục nghĩa của chữ này là để chỉ nhân xưng một người giới tính nam nào đó. 

(Trong hình trên, từ điển Hán Điển trực tuyến giải thích rằng thời cổ đại chữ (bộ Nhân) là đại từ phiếm chỉ tất cả mọi sự vật, không phân biệt giới tính là nam hay nữ. Đến thời hiện đại người ta mới sử dụng nó như một đại từ nhân xưng ngôi thứ ba có giới tính nam. Tương đương như chữ “He” trong tiếng Anh)

Thứ hai, Chữ 她 (chữ “tha” bộ Nữ”) có nhất thiết phải dịch là “Bà”?

Nếu nói rộng hơn một chút, trong tiếng Hán cũng còn có chữ (“Tha” bộ Nữ), để chỉ nhân xưng ngôi thứ ba thuộc giới tính nữ (She), nhưng ngoài ra chữ này còn dùng để chỉ những sự vật đẹp đẽ, hoàn mỹ hoặc những sự vật mà người ta cảm thấy quý giá, kính trọng. (Ảnh bên dưới chụp phần giải thích chữ của từ điển Hán Điển trực tuyến, xin xem link đầy đủ tại đây)

Một ví dụ minh họa cho cách dùng từ kiểu này không đâu rõ ràng hơn đó chính là lời giới thiệu trên trang mạng của Đoàn Nghệ thuật Shenyun:

Câu “神到底是什麽?她不僅僅是一場演出,而是對共產主義之前的傳統中華文化與美德的復興。” trong phiên bản tiếng Việt của trang mạng Shenyun dịch là: “Vậy Shen Yun chính xác là gì? Shen Yun không chỉ là một chương trình biểu diễn, mà còn là sự phục hưng mỹ đức và văn hóa Trung Hoa truyền thống trước thời chủ nghĩa cộng sản.” Chứ không ai dịch là không chỉ là một chương trình biểu diễn,…” Người ta sử dụng chữ 她 ở đây là để biểu thị sự trân quý với cái đẹp của nghệ thuật, chứ không phải vì Shenyun là một “bà, cô, dì, mợ, thím…” nào cả.

Như vậy, khi nhắc đến chữ (“Tha” có bộ Nhân) thì không phải lúc nào cũng dịch là “Ông, cậu, anh,…” và không phải lúc nào hễ có chữ 她 (“Tha” có bộ Nữ) thì cứ phải nhất loạt dịch là “Bà” hay “Cô” mà còn phải tùy theo ngữ cảnh và đòi hỏi người dịch phải có sự tra cứu cẩn thận. Đây là điều mà bản dịch hiện hành chưa làm được.

Bản dịch tiếng Anh có gì?

Khi tham khảo cả 4 bản dịch tiếng Anh, tôi mới nhận thấy rằng, tất cả những đại từ họ dùng ở đoạn mở đầu đều là “It” (nghĩa là “nó”) – một đại từ chỉ vật chứ không chỉ người. Trong các bản tiếng Anh, khi nhắc tới “Đại Pháp” thì một là họ sử dụng chữ “It”, hai là họ gọi trực tiếp luôn là “Dafa” (tên phiên âm tiếng Anh của hai chữ “Đại Pháp”) chứ không hề tồn tại một đại từ nhân xưng ngôi thứ ba có giới tính nào, dưới đây là một vài ví dụ được trích ra từ bản dịch tiếng Anh của các học viên Trung Quốc năm 1998 bản online trên falundafa.org. (Sở dĩ tôi chọn bản dịch của các học viên Trung Quốc là bởi vì tôi tin họ hiểu tiếng mẹ đẻ của mình nhất, đặc biệt là những cách dùng từ đặc thù):

 Dafa is the wisdom of the Creator. It is the bedrock of creation, what the heavens, earth, and universe are built upon. (On Dafa – Translated by China Practitioners, 1998)

Any person who can align with Dafa is truly a good person, and will be rewarded and blessed with health and happiness. (On Dafa – Translated by China Practitioners, 1998)

And any cultivator who is able to become one with Dafa is an enlightened one—divine. (On Dafa – Translated by China Practitioners, 1998)

Từ những tra cứu và tham chiếu kể trên tôi tin chắc rằng: chữ 他 mà Sư Phụ dùng trong trường hợp này không hề chỉ bất cứ một “người nam ngôi thứ ba” (Ông, anh, cậu ta) mà đơn thuần để chỉ một đối tượng đó là “Đại Pháp”. Sở dĩ dùng chữ 他  có bộ Nhân là bởi vì tất cả những gì thuộc về Đại Pháp đều không phải là những thứ vô tri mà đều có linh tính, sinh mệnh riêng và nó bao hàm hết thảy kể cả người và vật. Tuy nhiên, “Đại Pháp” này là trí tuệ của riêng Sáng Thế Chủ, tuyệt không phải là một nhân vật, một “ông”, một “ngài” hoặc bất cứ nhân vật có hình dáng con người hay giới tính cụ thể nào cả. Vì nếu cách hiểu “Đại Pháp” là một “Ông” (hoặc thậm chí là “Bà”) nào đó là đúng, vì sao bản dịch tiếng Anh họ không dịch là “He is the bedrock of creation….” mà lại là “It is the bedrock of creation…” (?!)

Đó là chưa kể những điểm bất nhất tồn tại trong chính bản dịch tiếng Việt hiện hành, mà chúng tôi sẽ chỉ ra ngay dưới đây.

Sự bất nhất trong cách dịch chữ 他  

Câu hỏi đặt ra tiếp theo là: trong Chuyển Pháp Luân, ngoài “Đại Pháp” ra, còn chỗ nào khác Tác giả dùng chữ 他 (Chữ “tha” có bộ nhân) để chỉ những danh từ khác hay không? 

Câu trả lời là có. Tuy nhiên, trong bản dịch tiếng Việt những chữ  他 “tha” này vẫn không được dịch là “Ông”, mà lại được dịch là “nó”. Dưới đây là một vài đối chiếu (xin hãy để ý những chỗ mà tôi in đậm trong văn bản):

Bản gốc:

那麼甚麼是佛法呢?這個宇宙中最根本的特性真、善、忍,就是佛法的最高體現,就是最根本的佛法。《轉法輪第一講:真、善、忍是衡量好壞的唯一標準》

Bản dịch:

Vậy Phật Pháp là gì? Đặc tính căn bản nhất trong vũ trụ này là Chân Thiện Nhẫn, chính là thể hiện tối cao của Phật Pháp, chính là Phật Pháp tối căn bản. (Chuyển Pháp Luân – Bài giảng thứ nhất: Chân Thiện Nhẫn là tiêu chuẩn duy nhất để nhận định người tốt xấu)

Bản gốc:

真、善、忍這種特性是衡量宇宙中好與壞的標準。甚麼是好甚麼是壞?就是用來衡量的。《轉法輪第一講:真、善、忍是衡量好壞的唯一標準》

Bản dịch:

Chủng đặc tính Chân Thiện Nhẫn là tiêu chuẩn để nhận định tốt và xấu trong vũ trụ. Thế nào là tốt, thế nào là xấu? Chính là dùng {Chân Thiện Nhẫn} mà xác định. (Chuyển Pháp Luân – Bài giảng thứ nhất: Chân Thiện Nhẫn là tiêu chuẩn duy nhất để nhận định người tốt xấu)

Bản gốc:

不管人類的道德標準怎麼變化,可是這個宇宙的特性卻不會變,是衡量好、壞人的唯一標準。《轉法輪第一講:真、善、忍是衡量好壞的唯一標準》

Bản dịch:

Dẫu tiêu chuẩn đạo đức của nhân loại có thay đổi thế nào đi nữa, đặc tính của vũ trụ không hề thay đổi; chính là tiêu chuẩn duy nhất để xác định người tốt xấu. (Chuyển Pháp Luân – Bài giảng thứ nhất: Chân Thiện Nhẫn là tiêu chuẩn duy nhất để nhận định người tốt xấu)

Bản gốc:

法輪是宇宙的縮影,具備著宇宙的一切功能,能夠自動的運轉、旋轉。在你小腹部位永遠要轉下去,一旦給你下上去之後,不再停了,常年永遠這樣轉下去。在正轉的過程中,會自動的從宇宙中吸取能量,自身還會演化能量,供給你身體所有各個部份演化所需要的能量。同時,反(時針)轉的時候會發放能量,把廢棄物質打出去之後,在身體周圍散掉了。發放能量時,會打出去很遠,從新帶進新的能量。打出去的能量,在你身體周圍的人都會受益。《轉法輪 第一講:法輪大法的特點》

Bản dịch:

Pháp Luân là [hình] ảnh thu nhỏ của vũ trụ, có đầy đủ hết thảy các công năng của vũ trụ; có thể vận chuyển, xoay chuyển một cách tự động. nằm tại bụng dưới của chư vị chuyển động vĩnh viễn; từ khi đã cấp cho chư vị trở về sau, không bao giờ dừng lại; vĩnh viễn năm này qua năm khác chuyển động như thế. Trong quá trình chuyển động theo chiều kim đồng hồ6, tự động hấp thụ năng lượng từ vũ trụ; tự biết diễn hoá năng lượng, cung cấp năng lượng cần thiết cho các nhu cầu diễn hoá của tất cả bộ phận thân thể của chư vị. Đồng thời, khi Nó quay ngược chiều kim đồng hồ, phát phóng năng lượng, đẩy các vật chất phế bỏ xuất ra ngoài, rồi tiêu tán ra quanh thân thể. Khi phát phóng năng lượng, đẩy ra rất xa; rồi lại quay lại lấy năng lượng mới. [Khi] đẩy năng lượng ra, thì những người ở chung quanh chư vị thu được lợi ích. (Chuyển Pháp Luân – Bài giảng thứ nhất: Đặc điểm của Pháp Luân Đại Pháp)

Bản gốc:

當然能量是不會丟的,當法輪在正(順時針)轉時,自己會往回收,因為常轉不止。《轉法輪第一講:法輪大法的特點》

Bản dịch:

Tất nhiên năng lượng không có mất, Pháp Luân khi quay thuận chiều kim đồng hồ, lại tự thu lại [năng lượng], bởi vì thường chuyển không dừng. (Bản dịch, Chuyển Pháp Luân – Bài giảng thứ nhất: Đặc điểm của Pháp Luân Đại Pháp)

Bản gốc:

而我們的法輪也是這樣的,就是運轉的。解決了常人在正常生活狀態下煉功的問題,增加了煉功時間。怎麼增加呢?因為旋轉不止,不停的從宇宙中吸取能量,演化能量。你上班,在煉你。《轉法輪第一講:法輪大法的特點》

Bản dịch:

Với Pháp Luân của chúng ta cũng như thế, cũng vận chuyển [như thế]. giải quyết được vấn đề luyện công giữa trạng thái sinh hoạt người thường, [nó] gia tăng thời gian luyện công. Gia tăng như thế nào? Bởi vì xoay chuyển không ngừng, [Nó] không ngừng hấp thụ năng lượng từ vũ trụ, diễn hoá năng lượng. Chư vị đi làm, vẫn luyện chư vị. (Chuyển Pháp Luân – Bài giảng thứ nhất: Đặc điểm của Pháp Luân Đại Pháp)

Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng: trong Chuyển Pháp Luân, Tác giả chỉ sử dụng một chữ  他 (“tha” bộ nhân) để chỉ các phạm trù: “Đại Pháp”, “Pháp Luân”, “Chân Thiện Nhẫn”, “Phật Pháp”. Nhưng khi dịch thì người dịch lại sử dụng từ “Ông” trong tiếng Việt để chỉ “Đại Pháp”, còn “” thì để  chỉ “Pháp Luân”, “Chân Thiện Nhẫn”, “Phật Pháp”. Do đâu có sự bất nhất như vậy? Chúng ta có thể đặt câu hỏi rằng: nếu dịch giả đã dùng chữ “Ông” để chỉ Đại Pháp rồi, thì tại sao không dùng chữ “Ông” để chỉ “Pháp Luân”, “Chân Thiện Nhẫn”? Nếu như có “Ông Đại Pháp” thì vì sao không có “Ông Pháp Luân”, “Ông Chân Thiện Nhẫn”, “Ông Phật Pháp”? Phải chăng chữ “Ông” này được dịch giả sử dụng theo cách hiểu chủ quan của mình rồi sau đó vô tình áp khái niệm này cho toàn thể học viên Việt Nam đang học Pháp hàng ngày bằng bản dịch? Tôi xin được đặt vấn đề ở đây để mọi người cùng thảo luận thêm.

Vài kiến giải sơ sài của cá nhân tôi

Góc độ phong cách văn bản: Cuối Bài giảng thứ sáu trong sách Chuyển Pháp Luân, Tác giả đã nói rằng:

Tôi còn nói với chư vị rằng: nội dung cuốn sách này là bài giảng Pháp tại một số lớp hợp lại. Đều là [điều] mà tôi giảng, từng câu đều là tôi giảng ra, đều là từ băng thâu âm lấy từng chữ từng chữ mà ra, lấy từng chữ từng chữ sao chép ra, đều là do các đệ tử, học viên của tôi đã giúp tôi sao lục lại, sau đó tôi chỉnh lý từng lượt từng lượt. Đều là Pháp của tôi, những điều tôi giảng chính là Pháp này. (Trích từ Bản dịch, Chuyển Pháp Luân: Bài giảng thứ sáu, Tâm lý hiển thị)

Về góc độ dịch thuật, từ đoạn Pháp này chúng ta có thể rút ra hai điểm: 1. Phong cách ngôn ngữ của Chuyển Pháp Luân là ngôn ngữ nói, 2. Sư Phụ Lý Hồng Chí – Tác giả cuốn sách là chủ thể phát ngôn. Từ đó, khi diễn dịch Chuyển Pháp Luân bản gốc (tiếng Hoa) thành một văn bản ngôn ngữ thứ hai, thì nguyên tắc quan trọng nhất là thể hiện được tác giả nói gì chứ không phải là thể hiện dịch giả hiểu được gì từ lời tác giả nói. Nếu như đặt trong bối cảnh đó, mọi người thử nghĩ xem có khả năng nào Sư Phụ xem Đại Pháp là một “Ông” nào đó không? 

Về góc độ văn hóa, từ “Ông” trong tiếng Việt thường mang nghĩa tôn xưng đối với nam giới. Nếu không phải là một người nam có tuổi tác cao, có vai vế cao trong xã hội thì cũng là một “Thần” nào đó trong tín ngưỡng dân gian. Chúng ta vẫn thường hay nghe từ “Ông” này xuất hiện rất nhiều trong văn hóa tín ngưỡng như: Ông Công, Ông Táo, Ông Thành Hoàng, Ông Bổn, lăng Ông, miếu Ông, chùa Ông… Tín ngưỡng thờ phụng những “Ông” này thường đi chung với một số hình thức nghi lễ nhất định. Khả năng rất lớn, nhiều người Việt Nam khi mới tìm hiểu Pháp Luân Công sẽ hiểu nhầm là có tồn tại một “Ông Đại Pháp” nào đó, rồi họ lại đi lệch lạc thành một hình thức tôn giáo – tín ngưỡng mới, chỉ coi trọng sự cầu khấn, cúng bái chứ không phải thực tu.

Bởi lẽ, khi dùng chữ “Ông” trong tiếng Việt để chỉ “Đại Pháp”, người dịch đã vô tình biến một phạm trù trừu tượng thành một nhân vật cụ thể, biến một khái niệm đại đạo vô hình trong tu luyện thành một định nghĩa mang tính ngẫu tượng tôn giáo. Đó là điều mà chúng ta có thể nhận thấy.

Kết

Xin được dẫn lại một đoạn Pháp trong Chuyển Pháp Luân, Bài giảng thứ ba: Công pháp Phật gia và Phật giáo để thay lời kết:

“Lại có một số tăng nhân lấy những điều bản thân mình tham ngộ mà giảng nói như thể đó là lời của Thích Ca Mâu Ni, chứ họ không giảng [bằng] những lời nguyên gốc của Thích Ca Mâu Ni. Như thế làm diện mục của Phật Pháp sai khác hẳn, hoàn toàn không còn là Pháp mà Thích Ca Mâu Ni đã truyền; rốt cuộc đã làm Phật Pháp trong Phật giáo tại Ấn Độ tiêu mất. Đó là bài học lịch sử quan trọng bậc nhất; vậy nên Ấn Độ sau này không còn Phật giáo nữa. (Trích từ bản dịch)

Bài học của Phật giáo trong lịch sử rất đáng để chúng ta tham khảo. Dẫu biết rằng mỗi bản dịch cũng sẽ có hạn chế riêng, nhưng tôi vẫn hy vọng các đồng tu làm hạng mục dịch thuật có thể tìm ra một phương pháp làm việc chặt chẽ để tránh hết mức tối đa những sai lạc không đáng có. Bởi vì ngôn ngữ có khả năng định hình tư duy, đó là điều mà giới tu luyện lẫn giới học thuật đã thừa nhận từ bấy lâu nay.

Leave a comment

Design a site like this with WordPress.com
Get started